Người dân thắc mắc trong tình huống này, nếu tài xế ô tô vượt đèn đỏ nhường đường cho xe cấp cứu, liệu có bị xử phạt?

Tranh cãi vụ xe ô tô không vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cấp cứu

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh xe cứu thương hú còi, gọi loa khẩn cấp nhưng không được nhường đường, tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Linh Đàm (Hà Nội) ngày 22/4. 

K.C. – người đăng tải clip cho biết, chiếc xe cấp cứu chở người bố bị bệnh nặng từ Bệnh viện Bạch Mai về nhà. Tuy nhiên, xe ô tô hiệu Vios BKS: 18A-111.68 không nhường đường, dù đã được ra tín hiệu từ trước đó.  

"Thật sự ngày hôm đó, giành giật sự sống của ông từng giây, đường về nhà thì quá xa, máy thở thì thất thường, lúc nào cũng phải chuẩn bị bóp bóng để duy trì thở mà còn mất thời gian vì không được nhường đường bất lực muốn khóc", cô chia sẻ. 

Xe cứu thương hú còi, gọi loa khẩn cấp, xe trước vẫn không chịu... vượt đèn đỏ nhường đường (Nguồn: Facebook)

Trên các diễn đàn giao thông, nhiều ý kiến trái chiều bàn luận về việc tài xế ô tô không nhường đường cho xe cứu thương. Đa phần bức xúc trước hành động của tài xế, cho rằng nếu trong tình huống đó, sẵn sàng bị phạt để cứu người.  

"Nhường đường cho xe ưu tiên là việc làm nhân đạo, dù bị phạt hay không. Tôi vẫn sẽ tiếp tục nhường đường cho xe cấp cứu mà không cần đắn đo vì sinh mạng con người là quý nhất". 

"Khi nghe tiếng còi cấp cứu, tôi luôn bật đèn hiệu nép vào bên đường, để người lái xe cấp cứu an tâm rằng mình được nhường đường tập trung làm tròn trách nhiệm đưa bệnh nhân đi cấp cứu sớm nhất có thể". 

Nhưng cũng có người chia sẻ với tài xế xe Vios, vì nếu vượt đèn đỏ có thể vi phạm luật giao thông.  

"Trong trường hợp này, xe Vios đang tuân theo tín hiệu đèn, thuộc trường hợp bất khả kháng, không thể nhường đường cho xe ưu tiên vì không đủ điều kiện an toàn vượt đèn đỏ. Xe chỉ có thể làm khác tín hiệu đèn khi có người điều khiển giao thông, nên không thể trách tài xế".  

"Nếu vượt đèn đỏ nhường đường an toàn cho xe cứu thương, có thể sẽ không bị phạt. Nhưng nếu vượt đèn mà gây tai nạn, thì sẽ bị xử lý". 

Xe cứu thương hú còi, gọi loa khẩn cấp vẫn không được nhường đường: Tài xế phía trước vượt đèn đỏ nhường đường có bị xử phạt? - Ảnh 2.

Cộng đồng mạng tranh cãi tài xế Vios không vượt đèn đỏ để nhường đường xe cứu thương (Ảnh cắt từ clip)

Cục Cảnh sát giao thông nói gì? 

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, trong tình huống này, tài xế xe Vios không nhất thiết vượt đèn đỏ, mà chỉ cần tiến lên phía trước, vượt qua vạch kẻ đường và đánh lái về bên phải, vừa nhường đường cho xe cấp cứu, vừa đảm bảo an toàn. 

Hành động này được xem là hi sinh lợi ích về trật tự an toàn giao thông nhưng thiệt hại của nó sẽ nhỏ hơn thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người trên xe cấp cứu. 

Theo vị này, xét về luật, việc vượt đèn đỏ nhường đường cho xe ưu tiên sẽ không bị xử phạt. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng cần làm rõ nhiều yếu tố khác như thời gian, địa điểm, tính chất của xe ưu tiên và thiệt hại liệu có đúng như những gì được đăng tải.  

Tài xế vượt đèn đỏ nhường đường cho xe cấp cứu, có bị xử phạt?

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, đây là một tình huống pháp lý khá phức tạp và xảy ra thường xuyên trên thực tế. Luật sư cho biết cả hai hành vi "vượt đèn đỏ" và "không nhường đường cho xe ưu tiên" đều bị xử phạt vi phạm hành chính.  

Cụ thể: 

Đối với hành vi vượt đèn đỏ, căn cứ vào quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người điều khiển xe có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hai hình thức xử phạt là phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn. Trong đó, tùy vào phương tiện giao thông đang điều khiển mà tài xế có thể bị phạt tiền với những mức phạt khác nhau.  

Đối với hành vi gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ, tùy vào loại phương tiện đang điều khiển, tài xế cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP). 

Cụ thể, người điều khiển phương tiện bị phạt tiền và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ với mức phạt cụ thể tùy vào phương tiện đang điều khiển. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là một trong các phương tiện ưu tiên. Do đó, hành vi không nhường đường cho xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu sẽ bị xử phạt theo chế tài trên. 

Xe cứu thương hú còi, gọi loa khẩn cấp vẫn không được nhường đường: Tài xế phía trước vượt đèn đỏ nhường đường có bị xử phạt? - Ảnh 3.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Về vấn đề vượt đèn đỏ nhằm mục đích nhường đường cho xe cấp cứu, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng tài xế Vios vẫn bị xác định là có hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) dù mục đích vượt đèn đỏ là để nhường đường xe cấp cứu đang thực hiện nhiệm vụ và người điều khiển xe không cố ý vi phạm luật.  

Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này sẽ không được đặt ra theo quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết ("tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa" - theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính). 

Trong tình huống này, với trường hợp xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ, nếu tài xế vượt đèn đỏ để nhường đường, tạo điều kiện đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho bệnh nhân, có thể coi là thực hiện hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết. Vì vậy, người điều khiển xe sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định nêu trên. 

"Trường hợp này, tài xế Vios nên quan sát và xác định vượt đèn đỏ để nhường đường xe cứu thương, có thực sự an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác không? Nếu di chuyển xe thì có đủ không gian để xe cứu thương di chuyển hay không? 

Nếu hành vi vượt đèn đỏ gây nguy hại cho phương tiện giao thông đang lưu thông mà thiệt hại đó có thể lớn hơn việc nhường đường cho xe cứu thương thì không nên vượt. Ngược lại, trường hợp có đủ điều kiện, hoàn toàn có khoảng trống cho xe cứu thương và việc vượt đèn đỏ vẫn đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác thì người điều khiển có thể cân nhắc việc vượt đèn đỏ. Bởi hành động này mang lại nhiều lợi ích hơn, giúp đảm bảo sự an toàn về tính mạng, sức khỏe cho những bệnh nhân trên xe cứu thương đang cần thời gian để chữa trị, giành giật sự sống", luật sư Trần Xuân Tiền phân tích. 

Ông kiến nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ nhằm đưa ra văn bản hướng dẫn về việc xử lý như thế nào khi có xe ưu tiên phía sau, do quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 vẫn chưa thực sự rõ ràng đối với cách thức nhường đường cho xe ưu tiên.