Em học sinh tiểu học này đã có một hành động khiến nhiều ông bố chột dạ.

Người ta thường lo lắng bị người lạ hay bạn bè, đồng nghiệp "bóc phốt". Tuy nhiên, có một chiếc "camera chạy bằng cơm" vẫn hằng ngày lia đôi mắt tinh tường, đôi tai siêu thính để "lưu trữ" những hoạt động xảy ra xung quanh mình. Đó chính là… những đứa trẻ. Đã có bao nhiêu bài văn "kể tội" người nhà từ bố mẹ đến anh chị em, ông bà khiến ai nấy cười lăn lộn.

Tuy nhiên, không chỉ văn chương mà đôi khi trong môn Toán, bài làm của những đứa trẻ cũng khiến phụ huynh... giật mình. Chẳng hạn, bé trai tên Lou, học lớp một, ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) sau đây.

Được biết, gia đình Lou có 4 người, gồm bố mẹ, cậu bé và em gái. Nhưng khi giải bài tập Toán về nhà với câu hỏi "Có bao nhiêu người trong gia đình em?", Lou trả lời là "3". Nhìn thấy đáp án này, người mẹ thắc mắc thì cậu bé giải thích rằng gia đình chỉ có 3 người vì "bố chẳng bao giờ ở nhà".

"Sốc" vì câu trả lời mà con trai đưa ra, người mẹ đã chụp lại và gửi cho chồng. Chị cũng cho biết, chồng mình thường xuyên phải vắng nhà đi làm nhiệm vụ vào các ngày cuối tuần và lễ Tết. Người bố sau đó chia sẻ lại bức ảnh trên mạng xã hội, than thở: "Nhận thức về gia đình của thằng bé không có tôi. Thật đau lòng".

Bài Toán tính số người trong gia đình khiến nhiều phụ huynh giật mình thon thót: Trẻ con đúng là không biết nói dối - Ảnh 1.

Nhìn thấy đáp án này, người mẹ thắc mắc thì cậu bé giải thích rằng gia đình chỉ có 3 người vì bố chẳng bao giờ ở nhà.

Nhiều người cảm thấy thương cho cậu bé, nhưng đồng thời cũng bày tỏ sự cảm thông với công việc bận rộn của ông bố. Trên thực tế, vì là cảnh sát nên anh phải vắng nhà thường xuyên chứ không phải bỏ bê con cái. Trong khi đó, người vợ cho hay cô vẫn rất tự hào về chồng dù anh thường xuyên vắng nhà. "Dù anh ấy không ở bên cạnh hay làm những điều lãng mạn, tôi vẫn tự hào về chồng mình", cô nói.

Người cha tốt giống như tia sáng trong đêm tối, không chỉ soi sáng con đường phía trước của con mà còn mang đến cho con cả cuộc đời yêu thương và hạnh phúc. Nhà tâm lý học người Mỹ Mike Gorkin cũng từng thực hiện một cuộc khảo sát và nghiên cứu, ông so những đứa trẻ tiếp xúc với cha hơn 2 giờ mỗi ngày, chúng rõ ràng hoạt bát, vui vẻ, có kỹ năng giao tiếp tốt hơn so với những đứa trẻ chỉ tiếp xúc với cha không quá 6 giờ/tuần.

Ngược lại, những đứa trẻ thiếu vắng cha trong thời gian dài dễ lo lắng, tự ti, tự chủ kém, hay có hành vi bạo lực do sự thiếu thốn tình cảm, mắc “hội chứng thiếu cha”. Từ góc độ tâm lý, những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ bị rối loạn cảm xúc, dễ bị trầm cảm.

Các nhà tâm lý học khác cũng từng tổng kết một hiện tượng như vậy: Cùng một câu nói, nếu được nói bởi người cha, có ảnh hưởng đến đứa trẻ gấp 50 lần so với người mẹ. Người cha giỏi tư duy lý trí, người mẹ giỏi tư duy cảm tính, việc để người cha tham gia vào quá trình giáo dục và học tập của con cái sẽ giúp trẻ trải nghiệm đầy đủ 2 lối suy nghĩ khác nhau là lý trí và tình cảm, đồng thời học được cách suy nghĩ độc lập.

Có thể thấy rằng trẻ em không chỉ cần sự đồng hành của mẹ mà còn cần cả sự đồng hành của cha. Người mẹ dù có đảm đang đến đâu cũng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của chồng mình. Vì thế, là một người cha, dù bận rộn đến đâu cũng không nên luôn vắng mặt trong sự trưởng thành của con cái.

Nếu con lớn lên cùng mẹ, còn cha dường như là người vô hình trong gia đình, sau khi hai người già đi, con sẽ có mối quan hệ sâu sắc với mẹ nhưng lại như một người xa lạ đối với cha. Lúc này, người cha có cố gắng bù đắp cho con cũng vô ích.

Trong giai đoạn đầu đời, trẻ cần có cha mẹ đồng hành bên cạnh. Sự quan tâm của cha mẹ chính là dưỡng chất tốt nhất để nuôi dưỡng sự sống của con cái.